Tin Xuất Nhập Khẩu
Năm 2030: Trung Quốc sẽ trở thành thị trường XK lớn của Việt Nam |
|
3/20/2014 9:56:29 AM |
|
Ngày 19-3, Ngân hàng HSBC công bố báo cáo kết nối giao thương toàn cầu năm 2014, trong đó, dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ điều chỉnh ở mức 12% một năm trong giai đoạn 2014-2016, và năm 2030, Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Trung Quốc sẽ là thị trường XK lớn
Theo kết quả công bố, xuất khẩu sẽ tăng trưởng ở mức hai con số ở khắp các khu vực trên thế giới trong giai đoạn 2014-2016 khi tăng trưởng toàn cầu dần hồi phục. Tuy nhiên, do nhu cầu về dệt may và thiết bị công nghệ thông tin và viễn thông từ thị trường Mỹ và châu Âu vẫn còn khá mạnh nên hơn nửa doanh nghiệp được khảo sát kỳ vọng khối lượng giao thương sẽ tăng trong 6 tháng tới.
Cùng xu hướng chung với các nước đang phát triển, Việt Nam cũng có sự tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa công nghệ cao. Sản phẩm công nghệ cao chiếm gần 20% tổng xuất khẩu trong năm 2013 và Việt Nam cũng là một trong những nước nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao tăng nhanh.
Những thuận lợi trong ngành công nghệ thông tin và truyền thông đã thúc đẩy sự tăng trưởng qua việc giải phóng nền kinh tế ra khỏi những khó khăn do thiếu thốn cơ sở hạ tầng.
Đến năm 2030, Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khi đó Malaysia sẽ chuyển từ vị trứ thứ 5 năm 2012 lên vị trí thứ 3 năm 2030 trong bảng các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.
Sản phẩm công nghệ cao chiếm 1/5 tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam. Sự phát triển nhanh chóng của ngành truyền thông di động đã thúc đẩy tăng trưởng thông qua khả năng tiếp cận qua mạng internet với các thị trường.
Điều kiện giao thương đang được cải thiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi hơn một nửa các doanh nghiệp tham gia khảo sát kỳ vọng khối lượng giao thương tăng trong 6 tháng tới. Chính lực cầu cao từ Mỹ và châu Âu đã thúc đẩy xu hướng này. HSBC kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian ngắn sắp tới.
Sản phẩm CNTT chiếm ưu thế
Trong 10 năm qua, Việt Nam đã phát triển đáng kể sự hiện diện trong ngành công nghệ thông tin. Điều này góp phần hỗ trợ sự phát triển công nghiệp nhanh chóng của quốc gia, và gia tăng mức lương cũng như sức tiêu thụ.
Những thuận lợi trong ngành công nghệ thông tin và truyền thông đã thúc đẩy tăng trưởng qua việc giải phóng nền kinh tế ra khỏi những khó khăn do thiếu thốn cơ sở hạ tầng. Tỉ lệ sở hữu điện thoại di động hiện hơn 100% tại Việt Nam, mở thêm kênh tiếp cận các thị trường tài chính. Sản phẩm công nghệ cao chiếm gần 20% tổng xuất khẩu trong năm 2013 và Việt Nam cũng là một trong những nước nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao tăng nhanh. Việt Nam nhập cả những sản phẩm công nghệ cao hoàn thiện cho thị trường tiêu dùng đang tăng mạnh và các sản phẩm bán hoàn thiện sử dụng trong sản xuất các sản phẩm công nghệ cao để tái xuất khẩu.
Về cơ hội giao thương, các doanh nghiệp Việt Nam được định vị khá tốt để hưởng lợi từ sự cải thiện của nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam đang xây dựng kinh nghiệm chuyên môn trong khu vực các ngành công nghiệp giá trị cao như truyền thông di động. Mức thu nhập tại Việt Nam được trông đợi sẽ tiếp tục tăng, thúc đẩy tiêu dùng và tạo nhiều cơ hội kinh doanh cho các công ty kinh doanh hàng tiêu dùng. Thu nhập tăng tại các thị trường mới nổi sẽ giúp thúc đẩy thương mại từ Việt Nam đến các thị trường này. Thỏa thuận Tự do Thương mại Đông Nam Á (ACFTA) sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các nước tham gia, giúp xuất khẩu của Indonesia và Malaysia tăng khoảng 15%/năm cho đến năm 2030. May mặc và quần áo vẫn là ngành hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2030, phản ánh giá nhân công ổn định và cạnh tranh. Tuy nhiên, xuất khẩu các thiết bị công nghệ tin học và viễn thông được dự báo sẽ tăng 10% mỗi năm cho đến năm 2030 và vào thời điểm đó ngành công nghệ tin học và viễn thông sẽ là ngành hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là các thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam vào thời điểm 2030. Dự báo nhập khẩu từ Ấn Đô sẽ tăng nhanh, gần 20%/năm, biến Ấn Độ thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam vào năm 2030. Máy móc, thiết bị công nghiệp được dự báo sẽ chiếm hơn 25% tăng trưởng của hàng hóa nhập khẩu khi Việt Nam gia tăng nhu cầu phát triển hạ tầng cơ sở./.
Theo Báo Hải Quan |