Get Adobe Flash player

Tin Xuất Nhập Khẩu

Giá gạo châu Á giảm do cung tăng, cầu thấp

3/7/2014 9:12:03 AM

Giá gạo châu Á tuần này giảm mạnh và khả năng sẽ còn giảm thêm nữa do nhu cầu hạn hẹp trong khi vụ thu hoạch mới bắt đầu và chương trình tạm trữ của Thái lan cũng dừng lại do thiếu kinh phí.

Gạo 5% tấm của Thái Lan giá đạt 420 USD/tấn, giảm so với mức 435 – 440 USD/tấn tuần trước.

“Hiện không có yếu tố nào hỗ trợ giá gạo. Nông dân bắt đầu thu hoạch lúa vụ 2, và chương trình thu mua của chính phủ cũng hết hạn”, một thương gia ở Bangkok cho biết.

Nông dân Thái Lan bắt đầu vào vụ thu hoạch thứ 2 trong niên vụ với khoảng 10 triệu tấn gạo sẽ được cung cấp ra thị trường.

Chương trình thu mua lúa gạo của chính phủ Thái lan – theo đó thu mua gạo của nông dân với giá cao hớn 50% so với giá thị trường – hết hạn vào ngày 28/2 vừa qua và chính phủ tạm quyền không có quyền được gia hạn mới.

Các thương gia cho biết chỉ có một số đơn đặt hàng nhỏ từ Trung Đông và châu Phi, nhưng khối lượng không đủ lớn để hỗ trợ giá vào đúng thời điểm nguồn cung đang tăng lên.

Thái Lan đã bán ra tồn kho của Chính phủ 600.000 tấn gạo vào trung tuần tháng 2, gồm 400.000 tấn đấu giá và 200.000 tấn bán trực tiếp cho các nhà xuất khẩu, với giá khoảng 10.000 baht/tấn và thông báo sẽ bán tiếp 800.000 tấn vào đầu tháng 3.2014. Chính phủ Thái Lan dự kiến bán ra 1 triệu tấn/tháng để giải quyết tồn kho lấy tiền trả nợ nông dân, trong khi không thể vay tiền từ các cơ chế khác. 

Nếu nông dân cũng bán ra thị trường khoảng 5 triệu tấn gạo vụ 2 được dự kiến thu hoạch từ tháng 3, giá gạo Thái sẽ giảm thêm, tác động mạnh đến giá gạo trên thị trường thế giới.

Tại Việt Nam, giá cũng giảm bởi nông dân bắt đầu vào vụ thu hoạch đông xuân, vụ lúa chính ở ĐBSCL. Thời điểm thu hoạch rộ là giữa tháng 3.

“Mấy tuần gần đây nguồn cung thấp và không có dấu hiệu mua vào”, một thương gia ở TP HCM cho biết. Nhưng nguồn cung đang tăng nhanh trong mấy ngày qua. 

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện còn 375 USD/tấn, FOB, giảm so với 380-400 USD/tấn một tuần trước đây đối với các hợp đồng bốc xếp từ nửa cuối tháng 4.

Hiện tính đến ngày 5.3, theo số liệu của Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT, các tỉnh thành vùng ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 520.000/1.600.000ha vụ đông xuân với sản lượng 3,4 triệu tấn lúa. Dự kiến trong tháng 3 sẽ thu hoạch thêm 3,45 triệu tấn và tháng 4 là 4,1 triệu tấn lúa nữa. Tổng cộng cả vụ đông xuân là gần 11 triệu tấn lúa. Sau khi cân đối để lại làm giống, chăn nuôi, tiêu dùng nội địa thì lượng gạo hàng hóa cần xuất khẩu là 4,275 triệu tấn quy gạo. Trong khi lượng hợp đồng đã ký hiện nay chỉ hơn 1 triệu tấn. 

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2.2014, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nêu vấn đề xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn do lượng gạo dự trữ của Thái Lan quá lớn và đang bán ra dù với giá thấp. Do vậy, Bộ NNPTNT đề nghị triển khai sớm chương trình tạm trữ lúa gạo với thời gian hỗ trợ dài hơn (từ 3 tháng lên 4 tháng), đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc...

Trong lúc có nhiều ý kiến đề xuất nên bắt đầu một đợt tạm trữ lúa gạo mới để giúp nông dân, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lại cho rằng, các doanh nghiệp lương thực cũng không mặn mà với chương trình này.

VFA cho biết, trước đây, tồn kho gạo ở các nước xuất khẩu không lớn. Do đó, khi Việt Nam thực hiện chương trình tạm trữ, các doanh nghiệp sẽ ít gặp bất lợi về mặt thị trường. Còn bây giờ, tồn kho gạo ở Thái Lan có thể lên tới 20 triệu tấn. Tồn kho gạo ở Ấn Độ cũng đã lên tới 32 triệu tấn. Nếu Việt Nam cũng tạm trữ nữa sẽ càng làm gia tăng thêm lượng gạo tồn kho và khiến cho doanh nghiệp tham gia tạm trữ rất dễ bị thua lỗ nặng nề.

Theo Vinanet


Hỗ Trợ Trực Tuyến